Contents
Viêm niệu đạo ở nam giới nếu không điều trị có thể lây nhiễm sang các vùng khác của cơ thể, gây nguy hiểm sức khỏe của các đấng mày râu.
1. Bệnh viêm niệu đạo ở nam giới là gì?
Niệu đạo là ống nối dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài qua lỗ sáo ở đầu dương vật, đồng thời cũng làm nhiệm vụ dẫn truyền tinh dịch khi nam giới xuất tinh. Viêm niệu đạo là tình trạng đường niệu đạo bị viêm, nguyên nhân chủ yếu thường do bệnh mắc phải qua đường tình dục.
Bệnh này ở nam giới thường gặp ở độ tuổi từ 20 đến 35 tuổi. Bên cạnh đó, ở nam giới có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục không an toàn, không sử dụng bao cao su hoặc giao hợp qua đường hậu môn cũng có thể mắc phải tình trạng này.

2. Triệu chứng ở nam giới
Triệu chứng phổ biến là nóng rát và đau đớn khi đi tiểu. Các triệu chứng viêm niệu đạo khác có thể bao gồm:
- Ngứa, đau hoặc sưng ở dương vật
- Đau dương vật khi quan hệ tình dục
- Có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch
- Cảm giác muốn đi tiểu nhiều hơn mức bình thường
- Nước tiểu có màu đục, có thể lẫn mủ, tiểu rắt khó chịu
- Tiết dịch nhầy màu trắng, hơi vàng hoặc xanh, thường xuất hiện vào buổi sáng lúc ngủ dậy
Viêm niệu đạo thông thường không gây sốt hoặc các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Nếu viêm niệu đạo lây lan sang các cơ quan khác trong đường sinh dục, đường tiết niệu hoặc vào máu, bệnh có thể gây ra các triệu chứng:
- Sốt cao
- Đau lưng
- Đau bụng
- Sưng khớp
- Buồn nôn, nôn
Đây không phải là một trường hợp khẩn cấp, nhưng khi gặp phải các triệu chứng trên thì có nghĩa là bệnh không chỉ còn xảy ra ở niệu đạo. Những tình trạng này thường nghiêm trọng và đòi hỏi có sự kiểm tra của bác sĩ.

3. Nguyên nhân gây bệnh ở nam giới
Các nguyên nhân có thể bao gồm:
• Bệnh lây truyền qua đường tình dục: Bệnh lậu và bệnh chlamydia là một trong những nguyên nhân chính gây viêm niệu đạo. Virus herpes và các bệnh nhiễm trùng khác lây truyền qua đường tình dục cũng có thể gây viêm niệu đạo.
• Chất hóa học gây kích thích: Xà phòng, sữa dưỡng thể (lotion) và cologne (dạng nước hoa) đôi lúc có thể gây kích ứng, làm đau tạm thời niệu đạo. Chất diệt tinh trùng trong bao cao su, gel bôi dương vật cũng có thể gây kích ứng.
• Tác động vật lý: Chấn thương nhỏ trên dương vật cũng có thể gây ra viêm niệu đạo. Các tác động cơ học liên quan đến thủ tục y tế như nong niệu đạo, đặt ống thông tiểu sau phẫu thuật, xét nghiệm nội soi bàng quang hoặc tán sỏi bàng quang… Ngoài ra, hoạt động quan hệ tình dục hoặc thủ dâm mạnh có thể gây tổn thương niệu đạo.
• Vệ sinh dương vật không kỹ: Khi vệ sinh bộ phận sinh dục không sạch sẽ, vi khuẩn có thể tích tụ lại ở dương vật và phát triển nhanh chóng. Điều này có thể gây ra các bệnh lý sinh dục và viêm nhiễm niệu đạo. Hẹp niệu đạo cũng có thể gây ra tình trạng này.
• Nhịn tiểu tiện: Dù là nam hay nữ, nhịn tiểu là thói quen xấu gây hại sức khỏe. Thói quen này có thể gây ra sự tích tụ vi khuẩn trong bàng quang, là yếu tố làm xuất hiện các bệnh lý đường tiết niệu ở nam giới.

4. Chẩn đoán bệnh ở nam giới
Khi thăm khám, bác sĩ sẽ thực hiện các bước để chẩn đoán bao gồm:
Kiểm tra thể chất
Bác sĩ có thể thực hiện kiểm tra thể chất bao gồm:
- Kiểm tra sức khỏe hiện tại
- Tiến hành kiểm tra dương vật và tinh hoàn
- Xem xét bụng, vùng bàng quang, hai bên hông và lưng có đau hay sưng không
Tiền sử bệnh
Bác sĩ có thể hỏi bạn đã từng bị nhiễm trùng tiểu hay chưa, tiền sử gia đình, cùng các triệu chứng gặp phải.
Xét nghiệm chẩn đoán
Bác sĩ có thể chỉ định một số loại xét nghiệm bao gồm:
- Máu
- Nước tiểu
- Dịch tiết niệu đạo (urethral discharge)
- Nội soi bàng quang để kiểm tra các vấn đề về đường tiết niệu