Contents
Rối loạn cương dương (liệt dương) là tình trạng dương vật không đủ khả năng hoặc khó duy trì sự cương cứng đủ để giao hợp. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của nam giới.
1. Tìm hiểu chung về rối loạn cương dương
1.1 Bệnh rối loạn cương dương là bệnh gì?
Rối loạn cương dương (liệt dương) là tình trạng dương vật không đủ khả năng hoặc khó duy trì sự cương cứng đủ để giao hợp. Bạn có thể bị bệnh nếu mắc phải các tình trạng sau đây:
- Không thể cương cứng
- Chỉ thỉnh thoảng có thể cương cứng
- Có thể cương cứng nhưng không thể duy trì đủ lâu để có thể quan hệ tình dục.
2. Triệu chứng thường gặp của rối loạn cương dương
2.1 Những dấu hiệu và triệu chứng thường gặp là gì?
Triệu chứng rõ nhất là giảm ham muốn tình dục. Rối loạn cương dương có thể dao động từ nhẹ đến nặng. Trường hợp nhẹ đôi khi có thể cố gắng đạt được độ cương cứng, nhưng người bệnh nặng hơn thường xuyên không đạt được độ cương cứng đủ để giao hợp.
Một số trường hợp người bệnh có thể đạt được sự cương cứng bình thường. Tuy nhiên, tại thời điểm khác, họ lại không thể đạt được hoặc duy trì cương cứng.
Ngoài ra, nồng độ testosterone thấp có thể dẫn đến loãng xương, mất năng lượng và cơ bắp yếu.
3. Nguyên nhân gây bệnh
3.1 Nguyên nhân ?
Những nguyên nhân gây liệt dương bao gồm:
- Các rối loạn làm giảm lưu lượng máu hoặc gây tổn thương đến các dây thần kinh trên dương vật.
- Sự tổn thương ở dây thần kinh dương vật có thể là kết quả từ phẫu thuật vùng chậu hoặc bụng (đặc biệt là phẫu thuật tuyến tiền liệt), xạ trị, bệnh cột sống, bệnh tiểu đường, đa xơ cứng hoặc rối loạn thần kinh ngoại biên.
- Rối loạn nội tiết tố (như nồng độ thấp bất thường của testosterone) gây rối loạn cương dương.
Các yếu tố khác bao gồm đột quỵ, thuốc lá, rượu và ma túy. Thuốc cũng thường gây liệt dương (đặc biệt là ở nam giới lớn tuổi) bao gồm thuốc hạ huyết áp, thuốc chống trầm cảm, một số thuốc an thần, một số thuốc lợi tiểu và các loại thuốc bất hợp pháp.
Ngoài ra, các yếu tố tâm lý như bệnh tật, mệt mỏi và stress có thể tác động và gây khó khăn để đạt được sự cương cứng.
4. Nguy cơ mắc phải
4.1 Những ai thường mắc phải bệnh?
Thông thường, càng cao tuổi thì bạn càng có khả năng mắc rối loạn cương dương. Theo thống kê, khoảng một nửa số đàn ông ở độ tuổi 65 và 3/4 đàn ông ở độ tuổi 80 tuổi bị liệt dương. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết đối với trường hợp của bạn.
4.2 Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh?
Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
- Điều kiện tâm lý, chẳng hạn như căng thẳng, lo âu hay trầm cảm
- Lo lắng về khả năng tình dục của mình
- Chấn thương tâm lý về tình dục trước đó (ví dụ như hiếp dâm, loạn luân, lạm dụng tình dục…)
- Mắc một số bệnh như tiểu đường hoặc bệnh tim
- Trải qua một số thủ thuật y tế như phẫu thuật tuyến yên hoặc xạ trị
- Sử dụng một số loại thuốc, như thuốc chống trầm cảm, thuốc cao huyết áp…
- Dùng chất kích thích hoặc nghiện rượu
- Sử dụng thuốc lá
- Thừa cân
5. Điều trị hiệu quả rối loạn cương dương
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
5.1 Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh rối loạn chức năng cương dương?
Thông thường, đa số các trường hợp bác sĩ có thể chẩn đoán được bệnh thông qua tiền sử bệnh và khám lâm sàng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân mắc những tình trạng mãn tính hoặc bác sĩ nghi ngờ một nguyên nhân tiềm ẩn nào đó có thể gây ra bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm khác như:
- Xét nghiệm máu: được thực hiện để đo nồng độ testosterone, giúp xác định các tình trạng có thể dẫn đến liệt dương tạm thời hoặc vĩnh viễn, chẳng hạn như bệnh tim, tiểu đường, nhiễm trùng.
- Xét nghiệm nước tiểu: như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu sẽ giúp bác sĩ phát hiện ra bạn tiểu đường hoặc một số bệnh lý khác.
- Siêu âm dương vật: giúp bác sĩ tìm ra các bất thường của dòng máu ở dương vật.
- Đo huyết áp ở chân và đánh giá các xung trong chân và bàn chân: có thể phát hiện vấn đề ở các động mạch.